#1

20.07.16 14:47

avatar

Luattienphong

Dân luật

Dân luật
Luật Tiền Phong – Sau ly hôn, cha mẹ có quyền, nghĩa vụ thăm nom, chăm sóc con. Đây là quyền mà không ai được ngăn cản. Đồng thời, khi một bên không được giao trực tiếp nuôi dưỡng con thì có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Vậy pháp luật quy định về việc cấp dưỡng cho con như thế nào? Cùng Luật Tiền Phong tìm hiểu quy định của pháp luật qua bài viết sau.
1. Cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn
Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan (Điều 82 Luật Hôn nhân gia đình 2014).
Trong vụ án ly hôn thì một bên sẽ được nhận quyền trực tiếp nuôi con, đối với người còn lại không trực tiếp nuôi con thì có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Điều này được quy định tại khoản 2 Điều 82 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 như sau:“Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con”. Việc cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn là nghĩa vụ của cha mẹ đối với con, vì vậy người không trực tiếp nuôi con phải có trách nhiệm thực hiện việc cấp dưỡng.
Nếu trong quá trình nuôi con, người còn lại không thực hiện việc cấp dưỡng thì người nuôi con có quyền yêu cầu người kia thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng đối với con theo quy định tại Khoản 1 Điều 83 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:“Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 của Luật này; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình”.
2. Căn cứ để xác định mức cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn
Trong việc ly hôn, pháp luật tôn trọng sự thỏa thuận của các bên và trong đó bao gồm cả việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, phương thức cấp dưỡng đối với con. Vì vậy nếu khi ly hôn hoặc khi có tranh chấp về nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn tòa án sẽ ghi nhận sự thỏa thuận của hai bên. Nếu như hai bên không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ quyết định mức cấp dưỡng sao cho hợp lý vừa đảm bảo được điều kiện của người cấp dưỡng vừa đảm bảo được quyền lợi của đứa trẻ.
Pháp luật cũng không quy định mức cấp dưỡng cụ thể của cha, mẹ đối với con mà chỉ quy định :
“1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
2. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Tiền cấp dưỡng nuôi con bao gồm những chi phí tối thiểu cho việc nuôi dưỡng và học hành của con và do các bên thoả thuận. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được thì tuỳ vào từng trường hợp cụ thể, vào khả năng của mỗi bên mà quyết định mức cấp dưỡng nuôi con cho hợp lý”.
Để xác định mức tiền cấp dưỡng như nào là hợp lý đối với cả người cấp dưỡng và người được cấp dưỡng thì phải căn cứ vào tình hình thực tế, kinh tế, thu nhập của người cấp dưỡng và nhu cầu cần thiết tối thiểu của người được cấp dưỡng.
Theo đó, khi quyết định mức tiền phải cấp dưỡng, Tòa án sẽ căn cứ vào mức thu nhập, tình hình thực tế của người cấp dưỡng. Vì vậy mức cấp dưỡng thường không cao hơn mức thu nhập của người cấp dưỡng. Nếu mức cấp dưỡng nuôi con Tòa án phán quyết vượt quá khả năng của người cấp dưỡng thì người cấp dưỡng có quyền làm đơn đề nghị tòa án xem xét lại mức cấp dưỡng cho hợp lý với tình hình thực tế của mình.
Tiền cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn được quy định tại mục 11 Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP cũng có quy định về tiền cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn như sau: "Tiền cấp dưỡng nuôi con bao gồm những chi phí tối thiểu cho việc nuôi dưỡng và học hành của con và do các bên thỏa thuận”.
Như vậy, pháp luật không quy định cụ thể mức cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn mà Tòa án sẽ xem xét mức cấp dưỡng trong từng trường hợp cụ thể sao cho hợp lý đối với các bên trong quan hệ.
Nếu người có nghĩa vụ cấp dưỡng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng được một thời gian rồi tự ý bỏ không thực hiện nữa mà không có sự đồng ý của người kia thì người trực tiếp nuôi con có thể làm đơn gửi cơ quan thi hành án để yêu cầu giải quyết về vấn đề này.
Luật Tiền Phong tư vấn pháp luật và cung cấp các dịch vụ pháp lý. Liên hệ với chúng tôi qua tổng đài 1900 6289 để được tư vấn pháp luật miễn phí.
Trân trọng!

Bình luận bằng facebook

   

Quyền hạn của bạn

   
Bạn không có quyền trả lời bài viết

2T Ads

Vừa cập nhật